“Khi giơ một ngón tay chỉ trích người đối diện, hãy nhớ ba ngón tay kia đang hướng về phía ta. Nếu bạn không muốn bị chỉ trích thì đừng bao giờ chỉ trích người khác.”

Thực tế, hiển nhiên khi bạn chỉ tay vào người đối diện thì có đến 3 ngón tay còn lại đang chỉ ngược về phía mình. Bạn có thể làm thử điều đó ngay và nhận ra điều tôi đang nói đến.

Khi giơ một ngón tay chỉ trích người đối diện, hãy nhớ ba ngón tay kia đang hướng về phía ta

Nhưng ở đây, chỉ tay không đơn giản là hành động thông thường, nó dùng để miêu tả một trong những thói xấu của hầu hết mọi người, đó là chỉ trích người khác.

Trong các bài học về hành vi của con người, chúng ta được học rằng hành động chỉ tay vào người đối diện là rất bất lịch sự, nó thể hiện cái tôi người thực hiện quá cao và không tôn trọng người khác. Hành vi chăm chăm chỉ trích một người cũng thế, nó sẽ khiến cho người đó cực kỳ khó chịu.

Thế nhưng, cũng giống như hành động chỉ tay khiến ba ngón hướng về phía chính chúng ta, việc chỉ trích người khác khiến ta phải nhìn lại bản thân mình: Mình là ai mà có quyền nói người khác? Mình chỉ trích người khác nhưng mình có thật sự làm tốt không? Và hành vi nói người khác nặng nề nhưng bản thân mình còn tệ hơn họ tựa như ta đang tự vỗ mặt mình vậy.

Hơn thế nữa, bạn nên biết rằng ta có thể chỉ trích người khác, thì người khác cũng có thể nói ngược lại chúng ta. Chẳng hạn, nếu hành vi chỉ trích diễn ra trong một nhóm người, thì điều này tạo nên một thói quen chỉ trích không phải chỉ ở một người mà là nhiều người, và giống như căn bệnh lây lan vậy, nó sẽ khiến càng nhiều người thích phán xét người khác hơn, và một lúc nào đó chính chúng ta sẽ trở thành đối tượng bị chỉ trích.

Bởi thế, trước khi trách cứ người khác thì hãy xem lại mình, đừng vội chỉ trích người khác khi chưa xem lại bản thân mình, và nếu không muốn bị chỉ trích thì cũng đừng chỉ trích người khác.

Thế thói quen chỉ trích người khác của chúng ta là ở đâu ra?

Bạn có thể nghĩ đến, việc chỉ trích người khác có thể khiến bạn cảm thấy bản thân mình có giá trị hơn, tốt hơn bằng cách hạ người khác xuống. Nhưng bạn có biết, chúng ta chỉ trích để khiến cho bản thân mạnh mẽ là khi trong thâm tâm ta cảm thấy bất lực, bị đánh giá thấp và cũng thể hiện sự bất an của mình.

Nguyên nhân làm nên thói quen chỉ trích

Không chỉ thế, việc luôn chỉ trích cũng có thể là biểu hiện của sự ganh ghét, giận dữ hoặc sợ hãi. Chúng ta làm nó như thể là một cách trả thù gián tiếp vì thực tế chúng ta không thể làm được điều gì khác ngoài nói ra. Và biểu hiện như thế khiến bản thân mình không còn đáng tin tưởng. Bạn có chắc lúc mình quay lưng đi sau khi chỉ trích một người bạn sẽ không bị chính người đó, thậm chí là người xung quanh đánh giá lại mình?

Xem thêm:  Dạy trẻ con, trước hết người lớn phải làm gương

Thế nhưng, nói một cách nhẹ nhàng hơn, nguyên nhân của sự chỉ trích là do chúng ta hay nhìn vào thiếu sót người khác. Bởi lẽ chúng ta có một hệ thống quan niệm và thước đo riêng của mình, và ta luôn nhận định mình là đúng đắn, như thể người khác là sai và cảm thấy người đó không phù hợp với quan niệm của mình.

Thậm chí, khi bạn muốn giúp người khác nhận ra thiếu sót của bản thân mình, nhưng tâm thái của bạn không đủ bao dung và đặt mình vào vị trí người khác sẽ rất dễ dẫn đến tình tạng áp đặt. Và từ một lời góp ý nó biến thành lời chỉ trích, điều mà chỉ khiến cho những người đó không muốn nghe bạn nói tiếp mà thôi. Điều này chẳng phải là sai lầm sao?

Như thế, để được thanh thản và tự tại hơn, thay vì chỉ trích người khác, sao bạn không tìm kiếm sai lầm của mình và sửa chữa chúng?

Ngoài ra, bạn cũng cần học cách để thay đổi thói quen chỉ trích của chính mình.

Ông bà ta ngày xưa đã có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hãy làm như câu nói này trước khi nói hay phán xét một ai đó, bạn sẽ cảm thấy dừng lại đúng lúc và tỉnh táo hơn.

Đồng thời, trước khi bắt đầu có ý nghĩ chỉ trích, hãy tự đặt cho mình những câu hỏi: “Liệu họ có lý do để làm vậy?”, “Mình có mắc sai lầm như thế bao giờ chưa?”.… Đây chính là cách mà chúng ta học được bao dung và khiêm nhường. Và nhìn thấy thiếu sót của người khác chính là cơ hội để ta nhận ra và đối chiếu với bản thân mình để mình trở nên tốt hơn.

Ngoài việc xem lại bản thân mình, các bạn cũng đừng quên xem xét lại những người xung quanh. Những người bạn này có khiến bạn trở nên tốt hơn không? Hay là họ khiến bạn luôn tập trung vào việc nhìn lỗi sai những người khác?

Ngưng chỉ trích để sống tốt hơn

Hãy luôn hướng mọi chuyện theo hướng tích cực hơn, vui vẻ hơn. Nếu bạn không muốn bị chỉ trích thì đừng bao giờ chỉ trích người khác”, đừng vội phán xét người khác khi chính bạn chẳng thể hiểu người ta đang phải đối mặt với chuyện gì và bản thân bạn cũng chưa chắc hơn được người ta.

“Khi giơ một ngón tay chỉ trích người đối diện, hãy nhớ ba ngón tay kia đang hướng về phía ta”.

giavitamhon

Để tại bình luận

Nhập nội dung bình luận !
Hãy nhập tên của bạn ở đây