
Lớn lên biết mình sai rồi, nhưng mà lạc lối không phải là cái tội.
Lớn vì cái nhận thức nó xin sự thay đổi.
Còn sống là vẫn còn may rồi, số phận mình tăng đôi, và thắng thua từ tay thôi.
_DSK_Lớn rồi
Những ngày gần đây, Hà Giang có lẽ là từ khóa nóng nhất trên khắp các trang báo, khắp các trang mạng hay ngay cả những cuộc trà dư tửu hậu. Người ta đặt ra hàng ngàn câu hỏi về chất lượng của những kì thi THPT quốc gia đã qua- dấu hỏi chấm to đùng cho một nền giáo dục đã tụt hậu hàng trăm năm so với thế giới. Đáng ra cái nền giáo dục ấy phải sinh ra được những “rồng, phượng” để xứng đáng với nguồn gốc, lịch sử vẻ vang. Phải sản sinh ra một thế hệ kiên cường để đưa Việt Nam “sánh ngang thế giới”. Nhưng nhìn xem, đây là thời đại của một thế hệ bạc nhược, thế hệ của những đứa trẻ “sinh ra đã ở ngay vạch đích”. Nghe nặng nề, đau đớn, xót xa biết bao. Giáo dục – cái gốc của một quốc gia dân tộc- thì lại lung lay và sâu mục tới tận cùng.
Khắp nơi nơi, tôi thấy người ta hả hê trước sự ngã ngựa của một thế lực to lớn đứng đằng sau bê bối “sửa điểm”- trong khi mới chỉ là một Vũ Trọng Lương được đưa ra ánh sáng. Người ta hả hê trước sự sụt điểm kinh hoàng của nhưng đứa trẻ “giỏi” với điểm cao thuộc nhóm đầu cả nước. Họ mỉa mai, họ miệt thị và cười nhạo các em. Chỉ là những đứa trẻ “sinh ra đã ở vạch đích” ấy, có thực sự đáng trách đến vậy không? Không. Tôi nghĩ trong câu chuyện này các em là những người đáng thương nhất.

Cả xã hội lao tới “vạch đích” là một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc và giàu sang còn các em từ khi sinh ra đã ở ngay vạch đích. Với một nền giáo dục thụ động từ cả gia đình và nhà trường, các em không đủ khả năng để nhìn thấy vạch đích thực sự mà mình cần chạm tới nên các em mãi đứng yên tại nơi các em đã sinh ra. Không biết cố gắng cũng không biết phải đi theo con đường nào nữa cả. Trong khi tất cả những đứa trẻ kém may mắn hơn đang cố gắng từng ngày, đi từng ngày thậm chí là chạy để đến được nơi các em đáng đứng thì các em vẫn không biết mình cần và phải làm gì. Bản năng sinh tồn và phấn đấu trong em bị thui chột. Các em đáng trách không? Có nhưng đáng trách nhất là một nền giáo dục từ gia đình và nhà trường- nền giáo dục xa rời thực tế và thiếu định hướng.
Người ta lại hỏi, tại sao có rất nhiều những đứa trẻ giàu có khác vẫn trở thành những người tải giỏi, trở thành nhưng start-up trẻ, những triệu phú, tỷ phú tự thân … Vậy hãy hỏi xem những đứa trẻ đó được hưởng một nền giáo dục ra sao, bởi không phải người giàu có nào cũng dạy con giống nhau. Chúng được hưởng nền giáo dục đủ đầy về vật chất nhưng cũng đồng thời được dạy cách sống độc lập và làm chủ cuộc sống của chính mình. Những đứa trẻ ấy biết cố gắng để chạm tới những vạch đích cao hơn và xa hơn. Hay nói cách khác là đó là những đứa trẻ đủ kiên cường và nghị lực để “vượt khó”- khó ở đây là khó trong tư tưởng, khó về sức ì mà chúng dễ dàng mắc phải khi không phải lo lắng về những áp lực cơm áo gạo tiền.
Và vụ bê bối Hà Giang, đáng trách nhất là một hệ thống giáo dục tụt hậu.. Chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam cải cách qua hàng chục năm, ngốn hàng nghìn tỉ nhưng lại đang tỏ rõ sự không hiệu quả. Rõ ràng cần một lần “chơi lớn” để thay đổi sách giáo khoa, chương trình dạy và phương thức giáo dục của cả hệ thống, nhưng người ta cứ loay hoay thay đổi phương thức thi, cách thi lối mà sự thay đổi đó ngoài việc phả vỡ sự ổn định đang có thì không nâng cao được chất lượng con người. Một sự tỉa ngọn, thay đổi ngọn thì liệu có thực sự có hiệu quả với một nền giáo dục mà gốc lung lay, còn thân thì đầy sâu mọt ? Quay lại đề thi văn năm nay, khi người ta bàn luận về tiềm lực đất nước- chúng ta đều đồng ý, tiềm lực lớn nhất hiện tại Việt Nam là con người vì những tiềm lực như “rừng vàng, biển bạc” đã cạn kiệt, xói mòn từ hàng chục năm. Nhưng thử hỏi với một nền giáo dục hiện tại thì tiềm lực con người liệu có phát huy được sức mạnh vốn có hay cũng xói mòn như những tiềm lực khác đây???
Không chỉ nhà trường mà ngay từ gia đình và xã hội. Một xã hội mà “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”, xã hội mà “con ông cháu cha” trở thành vấn nạn của mọi cơ quan nhà nước- đầu não của cả một quốc gia. Thì thử hỏi Việt Nam dựa vào đâu để phát triển, dựa vào ai để giàu mạnh ?

Hà Giang- câu chuyện buồn của những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích. Câu chuyện buồn của cả một hệ thống giáo dục bất lực trước thời cuộc, bất lực trước đòi hỏi phát triển của quốc gia. Câu chuyện về một xã hội “công bằng” mà lại bất công từ giáo dục – gốc rễ của xã hội. Sau Hà Giang đến Lạng Sơn, Sơn La, rồi Hòa Bình, Bạc Liêu. Có hay chăng chúng ta nên rà soát cả nước. Rà soát tòan bộ bộ máy. Nếu thực sự làm vậy thì kết quả sẽ đau lòng tới chừng nào nữa? Chỉ hy vọng những đứa trẻ Hà Giang- những đứa trẻ chịu nhiều thương tổn nhất sau vấp ngã này, sẽ biết tập đi, tập chạy, thay vì cứ mãi loay hoay đứng yên tại nơi chúng đã được sinh ra. Hy vọng chúng sẽ “lớn”, sẽ vượt qua những vấp ngã để viết tiếp một cuộc đời vẻ vang và thực sự cống hiến cho xã hội những giá trị tốt đẹp. Và hy vọng, một nền giáo dục mới sẽ ra đời để phát huy được tiềm lực của đất nước. Đừng để Việt Nam “chưa giàu đã già”- và mãi mắc kẹt ở giữa.
Hà Giang- là một hồi chuông cảnh tỉnh để đất nước nước có thể vươn mình thay đổi. Thật mỉa mai sao khi đề thi năm nay về tiềm lực con người của đất nước thì cũng là lúc chúng ta đặt dấu hỏi chấm to đùng về tiềm lực ấy?
Daphne