Có những sự vô tình đến từ sự vô tâm….
Con người Việt Nam thường có thói quen “hỏi thăm” – một nét văn hóa khá độc đáo so với các nước láng giềng hay thậm chí là bạn bè quốc tế. “Hỏi thăm” ở đây không có nghĩa chỉ dừng lại ở câu “how are you?” (bạn có khỏe không?) xuồng xã mà là sự thăm nom đầy nhiệt thành và chân ái. Ví dụ như “Dạo này nhà cửa con cái sao rồi?” hay “ Công việc dạo này có ổn không? Lương tháng mấy chục triệu rồi?”. Đại loại là sẽ đi sâu vào tường tận ngóc ngách cuộc sống của bạn. Có người mọi chuyện đều ổn, cuộc sống khá giả thì không sao, mỉm cười vui vẻ đáp lại. Nhưng người đang gặp sự khúc mắc sẽ tẽn tò, bối rối chẳng biết trả lời sao? Vậy nên sự “chân ái” đó liệu có thật sự cần thiết?

Đôi khi ta cứ những tưởng rằng câu hỏi thăm đơn thuần là sự quan tâm, thể hiện sự gần gũi nhưng hỏi thăm không đúng cách lại là sự soi mói và chứng tỏ bản thân ta là con người thiếu ý nhị hay là vô tâm. Vì sao ư? Bạn thử nghĩ xem khi gặp lại một cô bạn từ thuở cấp 3 hỏi thăm dạo này chồng con như thế nào trong khi người ta còn đang lẻ bóng thì họ sẽ cảm thấy ra sao? Hay một anh bạn vừa gặp vấn đề về việc làm, tài chính có chút khủng hoảng bạn bốp luôn câu “lâu lắm không gặp, chắc dạo này giàu lắm, lương thấy mấy chục củ rồi phải không?” Nếu là bạn, bạn có muốn đấm cho vêu mặt thằng vừa hỏi? Và nếu bạn thật sự quan tâm đến họ, bạn sẽ phần nào biết cuộc sống của họ hiện tại ra sao. Liệu bạn có “ném” những câu hỏi thăm vu vơ, vô duyên đến thế?
Cuộc sống đôi khi không đơn giản là ta nghĩ gì thì người khác cũng nghĩ như thế? Hay ta luôn đổ cho sự “không cố ý” để biện minh cho những điều ta làm sai? Điều đó không đúng và thật bất công cho những người đã phải hứng chịu hậu quả. Câu nói “không biết không có tội” thực sự không tồn tại trong đời thực. Dù chỉ là lời nói ở góc độ nào đó cũng sẽ có sức sát thương rất lớn đến với người nhận. Vì vậy, hãy tạo cho mình thói quen quan sát và và suy nghĩ thật kỹ trước khi nói một điều gì đó. Học cách đi từ xa đến gần, hỏi han những câu chung chung trước thay vì chộp ngay vào đời tư như vậy?

Nhưng có nói như thế nào thì đây cũng đã “văn hóa” người Việt. Bạn là những người trẻ, được học hỏi, giao tiếp xã hội nhiều, bạn buộc phải thay đổi. Còn các bà các mẹ thì thật sự khó. Vì đó là nét chân chất đã ăn mòn vào tư duy và suy nghĩ của họ rồi. Nên nói thay đổi ư? 90% câu trả lời là không thể. Vậy nếu người bị hại là bạn bạn nên làm gì? Thay vì trách móc, hậm hực “mấy bà nhà quê, vô duyên?” hãy giữ một thái độ đúng mực. Bạn thấy khó xử có thể mỉm cười đáp cháu vẫn bình thường. Hay cười xòa một câu. Bởi lúc đó người hỏi bạn đang trao đi một tấm chân tình thành thực mà bạn lại đưa cho họ sự khó chịu thì lúc đó bạn mới lại là người thiếu ý nhị.
Cuộc sống này là vậy dù ở vấn đề nào cũng luôn tồn tại hai mặt. Ở góc độ này bạn là người bị hại nhưng quay sang từ phía khác thì lại không. Nên để duy trì được những mối quan hệ hay xây dựng thêm những kết nối bạn cần là một người tinh tế và biết quan sát.

Người khôn ngoan luôn là người chiếm được lợi thế trong cuộc sống!
EmbiVu